Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCKII Phạm Thị Khương - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan từ người này sang người khác theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng hay phân của người bệnh và dễ gây thành dịch.
1. Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ là bệnh gì?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm do enterovirus (với nhiều loại khác nhau như coxsackievirus, echovirus... gây ra). Tỉ lệ lớn trường hợp bệnh nhân tay chân miệng là do virus Coxsackievirus A16 gây ra, có khả năng tự khỏi và ít biến chứng. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) được coi là nguy hiểm bởi thường kèm theo nhiều biến chứng khác.
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ do virus Coxsackievirus A16 được xem là thể bệnh nhẹ. Bệnh nhân sẽ hồi phục sớm trong vòng 7 - 10 ngày mà không cần điều trị.
- Khi EV71 là tác nhân gây tay - chân - miệng, bệnh sẽ biến chứng nặng và dễ tử vong nhất. Các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng trẻ do gây ra viêm màng não, viêm não. Ở Việt Nam, theo các chuyên gia của Bộ Y tế, năm nay, có tới 21% trường hợp bệnh tay chân miệng do EV71. Đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì bệnh viêm não xuất phát từ bệnh tay chân miệng ở trẻ em do EV71.
Vì vậy, khi có con nhỏ, đặc biệt là ở lứa tuổi 1-5 tuổi, cha mẹ cần quan tâm đến cách phòng bệnh, cách chữa bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ cùng những lưu ý khi có con nhỏ mắc bệnh tay chân miệng. Thời gian ủ bệnh tay chân miệng ở trẻ em từ 3 - 7 ngày. Những trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Với những trẻ càng nhỏ tuổi thì biểu hiện bệnh càng dễ bị nặng. Hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc - xin phòng bệnh. Vì vậy mà chúng ta, đặc biệt là những bậc phụ huynh sẽ cần phải hiểu biết về cách chữa bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ.
XEM THÊM:
2. Các giai đoạn phát triển của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Có 3 giai đoạn phát triển của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ mà hầu như ca bệnh nào cũng sẽ phải trải qua
- Thể không điển hình , hay giai đoạn lâm sàng khi trẻ có dấu hiệu phát ban, loét miệng nhưng không rõ ràng, rất khó xác định được bệnh.
- Thể cấp tính có bốn giai đoạn điển hình, kéo dài 3 đến 10 ngày.
Giai đoạn ủ bệnh (3-7 ngày): Thương không có triệu chứng gì.
Giai đoạn khởi phát (Từ 1-2 ngày): Với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Giai đoạn bệnh toàn phát kéo dài từ 3 đến 10 ngày: Trẻ bị loét miệng mà vết loét phát triển đến đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi. Các vết phát ban lan rộng và để lại vết thâm. Trẻ bị sốt nhẹ, nôn ói và có nguy cơ biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp. Trẻ sẽ tự khỏi sau 3 đến 5 ngày nếu là bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ do vi-rút coxsackievirus A16.